Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình - Bùi Văn Tỉnh: Chỉ đạo xây dựng nhãn hiệu Cá, Tôm Sông Đà theo hướng bền vững
"Sáng 23/10, đồng chí Bùi Văn Tỉnh, ủy viên BCH T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình đã khảo sát tình hình nuôi cá lồng trên vùng hồ Hòa Bình."
Sau khi khảo sát tình hình nuôi các lồng tại Công ty TNHH Xây dựng và dịch vụ Cường Thịnh (xã Thái Thịnh - TP hòa Bình) và Công ty Hưng Nguyên (xã Vầy Nưa - Đà Bắc), Bí thư Tỉnh ủy Bùi Văn Tỉnh ghi nhận những kết quả đã đạt được sau gần 4 năm thực hiện Nghị quyết số 12/NG-TU của BTV Tỉnh ủy.
Theo đó, trên địa bàn 5 huyện, thành phố vùng hồ có tổng số 4.300 lồng cá, tương đương với 260.000m2, vượt 800 lồng so với chỉ tiêu Nghị quyết; tạo công ăn việc làm cho trên 5.000 lao động, vượt 2.200 lao động so với mục tiêu Nghị quyết đề ra.
Trên vùng hồ hiện có 41 cơ sở nuôi trên 20 lồng, 2 cơ sở nuôi trên 100 lồng, 7 doanh nghiệp được cấp chứng nhận liên doanh với các hộ dân nuôi cá lồng hợp quy chuẩn Vietgap, cung cấp trên 2 nghìn tấn cá thương phẩm/năm ra thị trường...
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cũng chỉ rõ một số tồn tại, hạn chế như: chưa có quy hoạch vùng hồ Hòa Bình thành khu du lịch trong điểm Quốc gia và quy hoạch nuôi các lồng trên vùng hồ. Việc tổ chức sản xuất còn nhỏ lẻ, phân tán, tự phát và thụ động trong tiêu thụ sản phẩm.
Cơ chế hỗ trợ khởi nghiệp và tiêu thụ sản phẩm còn hạn chế. Công tác phòng chống dịch bệnh chưa được quan tâm đúng mức. Môi trường sinh thái có nguy cơ bị ảnh hưởng nếu không xây dựng và quản lý tốt quy hoạch.
Về định hướng trong thời gian tới, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình nhấn mạnh: cần tập trung đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết số 12/NQ-TU của BVT Tỉnh ủy để điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với thực tế, nhất là quan tâm hỗ trợ cho đào tạo, phòng chống dịch bệnh, tiêu thụ sản phẩm.
Sớm triển khai nhiệm vụ quy hoạch phát triển du lịch gắn với phát triển nuôi cá lồng và khai thác tôm trên vùng hồ Hòa Bình, đáp ứng yêu cầu tiêu thụ trong nước và hướng tới xuất khẩu sản phẩm cá, tôm sông Đà Hòa Bình.
Năm 2019 hoàn thành việc cắm mốc khu vực nuôi các lồng trên vùng hồ. Quản lý chặt chẽ nguồn giống, tiến tới sản xuất giống tại chỗ để kiểm soát chất lượng và giảm chi phí sản xuất.
Tăng cường tuyên truyền, vận động các hộ thành lập và tham gia các tổ hợp tác, HTX để đáp ứng các yêu cầu về vốn, cung ứng vật tư, chuyển giao kỹ thuật và tiêu thụ sản phẩm, hướng tới chế biến sản phẩm tại chỗ để cung ứng cho thị trường.
Quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng, nhất là hệ thống điện để phục vụ cho phát triển nuôi cá lồng trên vùng hồ. Liên minh HXT tỉnh phối hợp tổ chức hội nghị của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, HTX nuôi các lồng trên vùng hồ để xây dựng chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn.
Về Giấy chứng nhận Nhãn hiệu Cá, Tôm Sông Đà được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận sẽ được tổ chức công bố tại Hội nghị xúc tiến đầu tư của tỉnh trong tháng 11 tới đây.
Theo HBĐT
Sản phẩm Cá sông đà