5 loài cá tiến vua quý hiếm có nguồn gốc từ sông Đà
Sự tích cá tiến vua hiếm có khó tìm
Chuyện xưa kể rằng, có một ngư dân ở vùng đất Phú Thọ bắt được một con cá quý với hình hài kỳ lạ, thân cá giống cá chép nhưng miệng lại hệt mồm lợn. Vì thấy con cá đặc biệt nên người ngư dân đem dâng con cá quý lên vua Hùng. Sau khi vua Hùng ăn xong món ăn từ loài cá lạ ấy thì khen ngợi hết lời vì thịt cá thơm ngon, lạ miệng và ban lệ cúng tiến. Và từ đó, loài cá lạ với cái tên cá anh vũ trở thành một đặc sản tiến vua hàng năm của người dân vùng núi phía Bắc.Cá anh vũ là một loài cá tiến vua nức tiếng của vùng núi phía Bắc
Cũng từ đó, người dân vùng núi phía Bắc thường rủ nhau săn lùng những loài cá lạ trên sông làm lễ vật dâng lên vua chúa. Tiếp sau đặc sản cá anh vũ tiến vua là sự xuất hiện của cá lăng, cá chiên, cá dầm xanh và cá bỗng. Đây đều là những loài cá có giá trị cao về mặt ẩm thực và được xem là vua của các loài cá nước ngọt ở miền Bắc. Chính vì thế mà chúng được dân gian xưng tụng “ngũ quý hà thủy” của các dòng sông phía Bắc.
“Ngũ quý hà thủy” có đặc điểm chung là chỉ xuất hiện ở khu vực thượng nguồn núi đá của sông Đà, sông Lô, sông Hồng. Để săn được các loài cá quý này làm cống phẩm dâng vua chúa không hề đơn giản.
Theo kinh nghiệm của những “tay săn” cá tiến vua thì ngã ba Bạch Hạc, nơi giao thoa của ba dòng sông là sông Đà, sông Lô, sông Hồng chính là nơi quy tụ nhiều “ngũ quý hà thủy”, đặc biệt là cá anh vũ, một trong 5 loại cá tiến vua hiếm có khó tìm. Bởi, đây là nơi những con anh vũ trưởng thành bắt đầu hành trình thiêng liêng ngược thượng nguồn tìm bãi đẻ. Trước sức ép mạnh mẽ của trăm thác, ngàn ghềnh trên hành trình vượt thác đã khiến buồng trứng non trong bụng cá anh vũ cái sớm chín, hệ sẹ trong bụng cá đực sớm mọng và để rồi thực hiện nghĩa vụ duy trì nòi giống.
Cùng với sự săn bắt của người dân và sự xuất hiện của hàng loạt các thủy điện trên thượng nguồn đã làm đảo lộn môi trường sống tự nhiên, bãi đẻ của cá anh vũ và các loài cá hiếm khác. Các loại cá tiến vua tự nhiên ngày càng ít, thậm chí cá anh vũ, loài cá tiến vua bậc nhất đất Phú Thọ xưa, nay đã bị xếp vào sách đỏ, có nguy cơ bị tuyệt chủng. Còn những loài khác như cá lăng, chiên, dầm xanh, bỗng được người dân thuần hóa và tiến hành nuôi thương phẩm. Mặc dù, các loại cá tiến vua đang được nuôi phổ biến ở các tỉnh miền núi phía Bắc, nhất là ở sông Đà – Hòa Bình nhưng giá của chúng không hề rẻ. Đặc biệt, đối với những con cá tiến vua “khủng”, chỉ có các đại gia mới có khả năng sở hữu những con cá quý hiếm này.
Cá chiên - loài thủy quái được nhiều người săn lùng trên thượng nguồn sông Đà
5 loài cá tiến vua huyền thoại
“Ngũ quý hà thủy” từng là những loài cá quý hiếm, nức danh với thịt thơm ngon và vịnh dự được nằm trên bàn tiệc của các vị vua chúa thời xưa. Hãy cùng chúng tôi điểm mặt và nhận diện 5 loài cá tiến vua hiếm có khó tìm của đất Bắc.Cá anh vũ: Có kích thước khiêm tốn, chỉ khoảng 3 – 5 lạng, ít khi có con nặng trên 1kg, thân giống cá chép nhưng miệng lại hệt mồm lợn. Loài này quen sống ở nơi nước xiết, dùng cái miệng rất khỏe của mình để bám vào đá và cạp rêu ăn. Chính đặc tính sinh sống này đã tạo nên cái miệng với hình hài đặc biệt, mồm bành ra như “mõm lợn”. Nhưng chính cái mõm lợn ấy lại là bộ phận quý nhất, ngon nhất của loài anh vũ. Và khiến cho nhiều đại gia chi tiền tỷ để tìm khoảnh khắc một chốc làm vua chúa. Cá anh vũ chế biến thành món nướng, nấu, chả và hấp lá gừng đều rất ngon, ngọt.
Cá dầm xanh: Thường sinh sống ở tầng đáy của sông, ở những dải đá ngầm, ăn mùn bã hữu cơ, các loại tảo, động vật không xương sống cỡ nhỏ ở tầng đáy. Đây là một loài cá quý, sau cá anh vũ, có xương mềm, thịt ngọt, nhất là bộ trứng bùi ngậy. Không giống như các loài cá khác là con lớn thịt mới ngon mà cá dầm xanh ngon từ lúc con cá nhỏ bằng đầu ngón tay cho đến khi nặng 6 – 7 kg. Vì cá dầm xanh bổ dưỡng và có giá trị kinh tế cao nên được nhiều người săn lùng.
Cá lăng: Là loài cá có thịt thơm ngọt, săn chắc, không có xương dăm nên được nhiều người ưa chuộng, đặc biệt là món chả cá Lã Vọng làm từ thịt cá lăng. Đây là loài cá sống ở tầng đáy của sông, nơi có nhiều phù sa, miệng cá có râu và chúng thường ăn tôm, tép, côn trùng… Do cá lăng giàu dinh dưỡng, có giá trị kinh tế cao và có thể chế biến thành nhiều món ăn ngon nên chúng đang được nuôi thương phẩm tại nhiều cơ sở ở Hòa Bình, Phú Thọ.
Cá chiên: Loài cá chiên được mệnh danh là “thủy quái” sông Đà, bởi chúng to khỏe, có con nặng đến vài chục cân, khả năng vượt thác tốt, miệng cứng như đá. Thịt cá chiên rất ngon, đặc biệt loài này nổi tiếng với bộ lòng to, dày như dạ dày lợn, giòn sần sật. Đây là món đặc sản mà nhiều người săn lùng. Vì cá chiên có vị ngon đặc biệt, chế biến được nhiều món ngon và có giá trị kinh tế cao nên chúng đang được nuôi nhiều ở khu vực lòng hồ sông Đà.
Cá bỗng: Là một loại đặc sản quý hiếm mà người Tày dùng để tiếp khách quý hoặc làm cỗ cúng. Cá bỗng có đặc điểm là từ nhỏ đến khi đạt trọng lượng 1 – 2kg thì lớn rất nhanh. Nhưng sau thời gian đó thì nó bắt đầu lớn chậm dần. Chính vì vậy mà có chú cá bỗng cả chục năm tuổi mà trọng lượng chỉ khoảng 3kg. Thức ăn chủ yếu của loài cá này là rong rêu nên cá càng lâu năm thì thịt càng thơm ngon. Những con có tuổi đời vài chục năm là hàng siêu hiếm và đắt đỏ, do đó, chỉ những đại gia sành ăn mới tìm mua.
Những loài cá tiến vua này đang được nuôi và bán trên thị trường với giá khá cao. Đặc biệt, với những chú cá “khủng” hiếm có, chỉ các đại gia mới có khả năng sở hữu và cảm nhận một khắc làm vua.
Sản phẩm Cá sông đà
Các bài viết khác