Người dân lòng hồ Hòa Bình đổi đời từ nghề nuôi cá
Nuôi cá lồng đã giải quyết việc làm cho hàng nghìn người dân, người lao động trên vùng hồ Hoà Bình.
Thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm
Anh Bùi Văn Hội (SN 1978, xóm Ngòi, xã Suối Hoa, huyện Tân Lạc tỉnh Hòa Bình) chia sẻ, trước đây gia đình làm nông nghiệp và lao động tự do nên thu nhập không ổn định, thuộc diện hộ nghèo trong xã.
Sau khi tiếp cận được kỹ thuật và nhận thấy tiềm năng, nên đã mạnh dạn vay mượn để đầu tư nuôi cá trên vùng lòng hồ Hòa Bình, đến nay đã có khoảng 30 lồng cá. Thu nhập bình quân của cả gia đình hơn 100 triệu đồng/năm.
Theo anh Hội, với thu nhập này cả 2 vợ chồng đã đủ lo cho cuộc sống gia đình có của ăn của để và đảm bảo nuôi con đi học, cũng như mua sắm được nhiều đồ dùng thiết yếu cho cuộc sống. Sau thời gian tích lũy, đến đăm 2022, anh đã xây được căn nhà mới có giá trị gần 1 tỉ đồng.
Tương tự, trên vùng lòng hồ Hòa Bình, trang trại Cường Thịnh Fish đang có khoảng 240 lồng cá, giải quyết việc làm cho hơn 20 lao động địa phương, thu nhập bình quân từ 8 - 12 triệu đồng/người/tháng.
Anh Hà Công Hượng (35 tuổi, xã Mỵ Hòa, huyện Kim Bôi) chia sẻ, vợ chồng anh lên lòng hồ này đã 9 năm để nuôi cá lồng, công việc này đem lại cho gia đình thu nhập ổn định, đảm bảo cuộc sống. Sau nhiều năm tích lũy và sự hỗ trợ của công ty, đến nay gia đình đã xây được nhà ở quê.
Chị Bùi Thị Muốn - Quản lý của trang trại cá Cường Thịnh Fish - cho biết, đa số người làm việc ở trang trại cá là lao động phổ thông từ các huyện trong tỉnh Hoà Bình. Khi tuyển dụng, công ty sẽ mở một khoá đào tạo kỹ thuật, phổ biến kiến thức về nuôi cá lồng cho những người này. Sau khi làm việc sẽ có thu nhập ổn định, các chế độ được đảm bảo nên nhiều người đã gắn bó lâu dài với nghề nuôi cá.
Hướng đi giúp bà con lòng hồ thoát nghèo
Ông Đinh Sơn Tùng - Bí thư Đảng ủy xã Suối Hoa, huyện Tân Lạc, tỉnh Hoà Bình - cho biết, địa phương có 6/8 xóm thuộc vùng lòng hồ với hơn 1.000ha mặt nước. Trước đây, người dân nuôi cá theo hướng nhỏ lẻ nên hiệu quả không cao.
Những năm 2015-2016, sau khi có chính sách hỗ trợ về vốn, kỹ thuật nuôi trồng, người dân đã mạnh dạn đầu tư phát triển nghề nuôi cá lồng theo hướng quy mô. Hiện nay, có hàng chục hộ dân nuôi cá với quy mô 10 lồng trở lên. Tổng số lồng cá của xã khoảng 550 lồng, tạo ra việc làm cho hàng trăm lao động tại địa phương với mức thu nhập ổn định từ 5-6 triệu đồng/tháng.
Ông Hoàng Văn Son - Chi Cục trưởng Chi cục Thủy sản Hòa Bình - cho biết: Hồ thủy điện Hòa Bình là hồ chứa nước nhân tạo lớn nhất Việt Nam, trải dài 230km từ Hòa Bình đến Sơn La, Dung tích của hồ khoảng 9,45 tỉ m3, diện tích mặt hồ khoảng 8.900ha. Trên địa bàn tỉnh Hòa Bình, hồ Hòa Bình nằm trong phạm vi hành chính của thành phố Hòa Bình và 4 huyện: Đà Bắc, Cao Phong, Tân Lạc và Mai Châu.
Theo thống kê, đến cuối năm 2022 số lồng nuôi cá có khoảng 5.000 lồng, tổng sản lượng nuôi trồng và khai thác vùng lòng hồ đạt khoảng 12.000 tấn, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hơn 2.000 lao động địa phương.
Nguồn laodong.vn
Sản phẩm Cá sông đà
Các bài viết khác