Tìm kiếm

line_bottom_header
Trang chủ » Tin tức sự kiện » Ăn gì để phòng loãng xương

Tin tức sự kiện

  • Ăn gì để phòng loãng xương

  • Loãng xương là một yếu tố nguy cơ của gãy xương, thậm chí dẫn đến tử vong. Vì vậy, câu hỏi "ăn gì để phòng loãng xương?" được nhiều người trung niên quan tâm nhằm ngăn ngừa và có thể tự kiểm soát tình trạng sức khỏe của mình.

    Hiểu đúng về bệnh loãng xương và cách phòng loãng xương

    Loãng xương ( hay còn gọi là xốp xương) là một bệnh (hoặc một hội chứng) nội tiết với 2 đặc điểm chính là lực của xương bị suy yếu và cấu trúc xương bị ảnh hưởng và hệ quả sau cùng là gãy xương. Mà gãy xương là một vấn nạn y tế cộng đồng hiện nay vì gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống, hao tổn tiền bạc, thậm chí dẫn đến tử vong. Chính vì vậy mà câu hỏi "ăn gì để phòng loãng xương?" được nhiều người trung niên quan tâm nhằm tìm được cách hiệu quả phòng ngừa bệnh loãng xương và có thể tự kiểm soát tình trạng sức khỏe của mình.
    Loãng xương xảy ra ở cả nam và nữ khi đến tuổi trung niên
    Bệnh loãng xương xảy ra ở cả nam và nữ khi đến tuổi trung niên

    Theo nghiên cứu của các chuyên gia xương khớp trên thế giới thì với người da trắng, cứ 2 phụ nữ sống đến 85 tuổi thì có một người bị gãy xương và cứ 3 nam giới cùng độ tuổi thì có một người bị gãy xương. Ở nữ, nguy cơ gãy xương đùi tương đương với nguy cơ mắc bệnh ung thư vú và ở nam nguy cơ gãy xương cột sống tương đương với nguy cơ mắc bệnh ung thư tuyến tiền liệt.
    Do đó, mặc dù loãng xương thường được xem là một bệnh của nữ giới nhưng cũng có thể xảy ra ở nam giới nhất là sau tuổi 60. Ở nữ giới, mãn kinh là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến loãng xương. Các yếu tố nguy cơ sau thời kỳ mãn kinh có thể là có tiền sử gãy xương sau tuổi 30, có thân nhân (cha, mẹ, anh chị em ruột) từng bị gãy xương, là người da trắng, người cao tuổi, thiếu calci, hay ít vận động cơ thể…
    Khi bị loãng xương, các triệu chứng lâm sàng có thể xuất hiện đột ngột sau một chấn thuơng nhẹ, có thể xuất hiện đau từ nhẹ tăng dần lên. Trong đó có các biểu hiện cụ thể như: Đau xương, nhất là thường đau ở vùng xương chịu tải của cơ thể như cột sống, thắt lưng, xương chậu; Hội chứng kính thích rễ thần kinh, tức là đau có thể kèm với dấu hiệu chèn ép, kích thích rễ thần kinh như đau dọc theo các dây thần kinh liên sườn, dọc theo dây thần kinh đùi, đau tăng khi ho, hắt hơi, nín thở; Lún, nứt hoặc gãy xương, với biểu hiện lún đốt sống, gù còng, nứt hoặc gãy cổ xưong đùi, xương cẳng tay, cổ tay… xảy ra sau va chạm hay chấn động nhẹ.
    Đối với cả nam và nữ, loãng xương có thể dẫn đến những nguy cơ cho sức khỏe như suy giảm chức năng của tuyến sinh dục, thận yếu hoặc suy thận, thiếu máu, viêm xương khớp… Chính vì vậy, với những người trung tuổi, việc phòng ngừa bệnh loãng xương trước khi mắc bệnh đóng vai trò quan trọng. Vì các yếu tố nguy cơ gây bệnh loãng xương liên quan rất lớn đến lối sống và chế độ dinh dưỡng nên mỗi người có thể phòng ngừa và tự kiểm soát được thông qua việc ăn uống hàng ngày. Do đó, câu hỏi "ăn gì để phòng loãng xương?" được nhiều người quan tâm và đi tìm đáp án phù hợp với thể trạng của mình.
    Cá là thực phẩm giúp phòng ngừa loãng xương hiệu quả
    Cá là thực phẩm giúp phòng ngừa loãng xương hiệu quả

    Ăn gì để phòng loãng xương hiệu quả?

    Chế độ dinh dưỡng thiếu hợp lý là nguyên nhân quan trọng gây ra bệnh loãng xương. Do đó, theo PGS.TS Trần Đình Toán, nguyên Trưởng khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Hữu Nghị, cần xây dựng một nguyên tắc dinh dưỡng phù hợp với độ tuổi, thể trạng của mỗi người để phòng loãng xương hiệu quả nhất. Do đó, để giải đáp cho thắc mắc ăn gì để phòng loãng xương hiệu quả cần tuân thủ những nội dung cơ bản gồm: Đảm bảo đủ nhu cầu năng lượng theo lứa tuổi và ngành nghề lao động; Đảm bảo cân đối về năng lượng ( P:L:G = 12-15%: 18-20% : 60-65%); Đảm bảo cân đối về protein, với tỷ lệ P động vật/P thực vật ở người lớn nên là 50/50, ở trẻ em tỷ lệ P động vật có thể nên từ 60/40 đến 70/30; Đảm bảo cân đối về lipid, với người lớn tỷ lệ lipid thực vật/ lipid động vật nên là 50/50, trong đó acid béo no chỉ nên <10%, PUPA < 10%, MUPA <20% năng lượng khẩu phần; Đảm bảo nhu cầu calci theo lứa tuổi (trẻ em trên 6 tháng đến 9 tuổi 500mg/ngày; từ 10 đến 15 tuổi 700mg/ngày; người trưởng thành 500mg/ngày; phụ nữ có thai, cho con bú 1000mg/ngày; người trên 50 tuổi, người già 1200mg/ngày);  Đảm bảo đủ vitamin D; Đảm bảo tỷ lệ cân đối giữa calci và phốt pho, tốt nhất là 1,5 – 2.
    Theo đó, việc duy trì lượng calci đầy đủ qua ăn uống là một biện pháp hữu hiệu, rất cần thiết cho việc ngăn ngừa tình trạng calci thoát ra khỏi xương. Ảnh hưởng của việc bổ xung calci cho xương tuỳ thuộc vào độ tuổi, tình trạng mãn kinh, lượng calci hấp thụ hàng ngày và lượng vitamin D ăn vào có đầy đủ hay không. Nói chung, tăng lượng calci trong khẩu phần là rất cần thiết, nhất là trong thời kỳ tăng trưởng để mật độ xương đạt được mức cao nhất.
    Bổ xung calci có hiệu quả phòng chống loãng xương ở phụ nữ sau mãn kinh trong vòng 5 năm. Nếu lượng calci bổ xung từ 2500mg/ngày trở lên thì nguy cơ mắc chứng tăng calci niệu và sỏi thận tăng lên, nhưng nếu dưới mức này thì calci rất an toàn đối với cơ thể.
    Và nguồn bổ sung calci và vitamin D an toàn nhất cho cơ thể chính là các loại thực phẩm có nguồn gốc thiên nhiên như sữa, trứng, phomat, rau chân vịt, cải xanh, đậu nành… Đặc biệt, một số loại cá như cá mòi, cá hồi, cá ngừ đã được các nhà khoa học chứng minh là có thể cung cấp cho cơ thể con người một lượng lớn calci, vitamin D và omega – 3 giúp phòng ngừa loãng xương và ngăn ngừa sự lão hóa của các bộ phận trong cơ thể. Và đây chính là giải pháp ưu việt được các chuyên gia dinh dưỡng đưa ra khi được hỏi "ăn gì để phòng loãng xương tốt nhất?"
    Tuy nhiên, PGS Trần Đình Toán cũng khuyến cáo đối với những thực phẩm giàu calci có hàm lượng trên 1000mg/100g như cua đồng, ốc thì không nên ăn nhiều và ăn thường xuyên. Bởi, nếu dùng nhiều sẽ có nguy cơ tăng calci niệu và sỏi thận và nếu dùng những thực phẩm này cũng cần uống nhiều nước hơn bình thường.
     
  • Các bài viết khác

     
    left click me