Trẻ bị ho có cần kiêng ăn cá
Trẻ bị ho có cần kiêng ăn cá và đồ tanh?
Thời điểm giao mùa từ Đông sang Xuân là lúc trẻ dễ bị nhiễm khuẩn đường hô hấp trên và dẫn đến bị ho. Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Nguyên trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai, ho là phản ứng bình thường khi bộ máy hô hấp của trẻ bị kích thích như hít phải khói, bụi, hơi hóa chất, phấn hoa… hoặc bị dị vật rơi vào đường thở như sặc thức ăn, sặc nước, ngứa mũi, vật lạ chui vào mũi. Hay như khi thành ngực trẻ bị nhiễm lạnh gây kích thích và cũng có thể gây ho. Còn về mặt bệnh lý, ho có thể do viêm nhiễm vi khuẩn, virus, hen suyễn… và thời tiết thay đổi thất thường từ lạnh sang nóng như hiện nay sẽ làm trẻ dễ bị ho do viêm đường hô hấp trên.Trẻ bị ho có cần kiêng ăn cá và đồ tanh để điều trị bệnh là suy nghĩ sai lầm
Khi trẻ bị ho nhiều có thể sẽ kèm theo sốt, hoặc bị nôn ói sau ho, tiếng thở rít, thở khò khè… Lúc đó, cha mẹ cần chú ý đến những thay đổi bất thường của con và đưa trẻ ngay đến các cơ sở y tế chuyên khoa để thăm khám và điều trị kịp thời. Tuyệt đối không được tự ý cho trẻ uống thuốc mà không có sự kê đơn, chỉ dẫn của các bác sỹ chuyên khoa. Bởi, việc tự chẩn đoán bệnh, tự kê đơn và tự ý cho trẻ uống thuốc không những làm bệnh không thuyên giảm mà còn làm trẻ yếu hơn và thậm chí gây khó khăn cho quá trình điều trị sau đó.
Bên cạnh việc điều trị ho cho trẻ bằng thuốc theo sự chỉ định của bác sỹ, cha mẹ cần đảm bảo chế độ dinh dưỡng tốt nhất để trẻ nâng cao sức khỏe, tăng cường sức đề kháng, giúp bệnh của trẻ nhanh chóng phục hồi. Chuyên gia dinh dưỡng Nguyễn Thị Lâm, Viện Dinh dưỡng Quốc gia khuyên rằng, trẻ bị ho thường biếng ăn và sức đề kháng bị suy giảm, do đó, cần có cách chăm sóc đặc biệt để trẻ bình phục nhanh chóng. Nguyên nhân dẫn đến trẻ bị ho có rất nhiều và việc điều trị phải bắt nguồn từ nguyên nhân. Vậy nên, việc kiêng ăn cho trẻ như nhiều cha mẹ vẫn hỏi “trẻ bị ho có cần kiêng ăn cá và đồ tanh để điều trị bệnh?” là suy nghĩ hoàn toàn sai lầm. Bởi, với cách làm này bệnh của trẻ có thể không giảm mà sức khỏe trẻ ngày càng suy kiệt.
Dinh dưỡng khi trẻ bị ho như thế nào?
Với tiết trời giao mùa thất thường như hiện nay, cha mẹ cần giữ ấm cho con vào sáng sớm và chiều tối, mặc đồ thoáng mát khi nhiệt độ tăng cao vào buổi trưa. Bên cạnh đó, cần tránh cho trẻ tiếp xúc với môi trường ô nhiễm, nhiều khói, bụi. Đặc biệt, với trẻ có cơ địa dị ứng, hẹn suyễn, cần tránh cho trẻ tiếp xúc với phấn hoa trong mùa xuân, tránh xa những người bị cảm cúm, tránh các dị nguyên và hạn chế tiếp xúc với lông động vật…Ngoài ra, việc chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ khi bị ho đóng vai trò quan trọng giúp trẻ nhanh chóng phục hồi. Bởi, theo chuyên gia dinh dưỡng Nguyễn Thị Lâm, khi bị ho, sốt trẻ thường mệt mỏi, sức đề kháng suy giảm nên dễ dẫn đến chán ăn, ăn ít hoặc bỏ ăn. Nếu trẻ không chịu ăn như bình thường hoặc ăn ít hơn, cha mẹ có thể cho trẻ ăn thành nhiều bữa. Đặc biệt, cha mẹ cần chú ý, không nên nấu loãng thức ăn hơn thường lệ vì điều đó khiến trẻ đã ăn ít lại càng bị thiệt thòi về chất dinh dưỡng. Vẫn duy trì cho mỡ, dầu vào bột hay cháo của trẻ ngay cả khi trẻ bị ho dẫn đến sốt hoặc kèm theo tiêu chảy.
Khi trẻ đang ho, khóc không nên ép trẻ ăn, uống để tránh gây hóc dị vật
Theo kinh nghiệm dân gian, khi bị ho không nên ăn cua, tôm, thịt gà… Chính điều này làm nhiều cha mẹ thắc mắc, khi trẻ bị ho có cần kiêng ăn cá và đồ tanh? Đáp án được các chuyên gia dinh dưỡng đưa ra là cha mẹ có thể hoàn toàn yên tâm cho trẻ ăn đa dạng các loại thực phẩm khi trẻ đang bị ho để trẻ được thay đổi khẩu vị, trẻ ăn được nhiều, bổ sung nhiều dinh dưỡng thì sẽ mau khỏe hơn. Bởi, chưa có chứng cứ khoa học nào chứng minh, các loại thực phẩm như tôm, cua, cá và các đồ tanh khác gây ho cho trẻ. Cha mẹ chỉ cần hạn chế những món ăn xào, rán… có quá nhiều dầu, mỡ.
Tuy nhiên, với những trẻ có cơ địa dị ứng, ho do hen suyễn, cha mẹ cần tránh những thức ăn mà trẻ hay bị dị ứng gây ho như trứng, sữa bò, các loại hải sản… Nếu trẻ không bị dị ứng thì không cần kiêng ăn. Còn theo bác sỹ Nguyễn Văn Hướng, Hội Đông y Việt Nam, với Tây y, người bị ho không cần phải kiêng ăn thứ gì. Nhưng, nếu điều trị ho bằng Đông y, việc kiêng ăn tùy theo thang thuốc, vị thuốc. Nói như vậy không có nghĩa là phải kiêng khem quá nhiều loại thực phẩm để rồi khiến có thể trẻ thiếu chất, mất sức đề kháng, làm người dần yếu hơn và khiến tình trạng ho của trẻ thêm trầm trọng.
Khi bị ho, cơ thể trẻ rất cần ăn những món có nhiều nước, dễ tiêu nhưng cũng đầy đủ dưỡng chất như súp, cháo, sữa... Cha mẹ nên cho trẻ ăn nhiều loại thực phẩm, trong đó cần tăng thực phẩm giàu vitamin A, vitamin C, giàu chất kẽm và chất sắt như: các loại thịt bò, gà, trứng, rau có màu xanh, đỏ, hoa quả...
Đặc biệt, không nên cho trẻ ăn thực phẩm lạnh, uống nước, sữa lạnh hoặc quá nhiều các thực phẩm béo, ngọt, vị đậm. Cũng không nên cho trẻ ăn lạc, hạt dưa, chocolate bởi đây là nhóm thực phẩm chứa dầu, có thể làm tăng lượng đờm khi ăn. Đồng thời, không nên cho trẻ ăn quýt vì khiến cơ thể sinh nhiệt, sản sinh ra nhiều dịch đờm hơn. Trẻ bị ho nhiều có thể nôn ra thức ăn vừa mới ăn xong kèm theo nhiều đờm nhớt, vì thế, trước khi cho trẻ ăn nên cho uống vài thìa nước, sau đó cho trẻ nằm sấp rồi vỗ về lưng trẻ nhằm giúp đờm nhớp không còn đọng ở cổ trẻ. Với cách này sẽ giúp trẻ đỡ ho và ăn bớt nôn. Những lúc bình thường, trẻ có thể ăn 6 lần/ngày nhưng lúc trẻ bị ho, cha mẹ cần chia thành 8 - 10 lần/ngày, mỗi lần ăn một ít. Cha mẹ cần đặc biệt lưu ý, khi trẻ đang ho, khóc không được ép trẻ ăn, uống, bởi việc làm này có thể dẫn đến việc trẻ hít vào phế quản thức ăn, nước uống, dẫn đến sặc, hóc dị vật và trẻ có thể tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.
Sản phẩm Cá sông đà
Các bài viết khác